Trang chủMặc địnhTAJIKISTAN - QUỐC GIA CỦA NHỮNG NGỌN NÚI HÙNG VĨ

TAJIKISTAN - QUỐC GIA CỦA NHỮNG NGỌN NÚI HÙNG VĨ

Tajikistan - là một quốc gia không giáp biển và nằm tại vị trí trung tâm của Trung Á. Tuy có diện tích nhỏ nhất trong các quốc gia tại đây nhưng Tajikistan lại có độ cao đáng nể với 90% diện tích là núi đồi. Được mệnh danh là nóc nhà của Trung Á nhờ dãy núi Pamir hùng vĩ, điểm đến tuyệt vời cho những ai yêu thiên nhiên và tận hưởng cuộc sống nhẹ nhàng và êm đềm. Tuy nhiên, khi đặt chân tới Tajikistan rồi, mảnh đất này lại mang đến cho tôi những trải nghiệm vô cùng khó quên, từ những con đường đèo cao cho đến sự mến khách của người dân bản địa. Ở bài viết này, hãy cùng tôi tìm hiểu về quốc gia nhỏ bé nhất thuộc Trung Á này nhé!
Kinh nghiệm khám phá thế giới kì vĩ
4 tháng 6

Dushanbe là trái tim và thủ đô của Tajikistan, một thành phố đầy yên bình với những hàng cây xanh ngát. Tôi đã dành trọn vẹn một ngày để đi bộ khắp các con đường trong thành phố, ngắm nhìn cuộc sống của người dân và thưởng thức các món ăn tại nơi đây. Đối với tôi, đồ ăn tại Tajikistan không hợp khẩu vị của tôi cho lắm nhưng bù lại thì người dân vô cùng dễ mến, các cô gái rất xinh đẹp, vẻ đẹp của vùng núi sơn cước. Dù là một đô thị lớn nhất cả nước nhưng mật độ dân cư ở Dushanbe khá thưa thớt và không quá nhộn nhịp. Tôi có ghé qua quảng trường Ismaili Somoni, nơi có tượng đài hoàng đế Ismailo Somoni - người đã sáng lập ra nhà Samanid - một trong những vương triều Hồi giáo nổi bật, tồn tại và trị vì một vùng lãnh thổ rộng lớn bao gồm nhiều phần của Trung Á trong đó có Tajikistan trong khoảng 180 năm. Kiến trúc tại đây mang đậm dấu ấn của nền văn hoá Hồi giáo, cũng không khó hiểu khi hơn 96% dân số tại Tajikistan theo Đạo Hồi. 

Ngày hôm sau, tôi bắt một chuyến xe để lên đường tới Penjikent nằm ở khu Khujand của Tajikistan trong thung lũng sông Zeravshan đẹp như tranh vẽ. Penjikent là một thành phố cổ có từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 8 sau công nguyên, từng là trung tâm văn hoá của khu vực. Thành phố đã bị người Ả Rập phá huỷ vào thế kỷ thứ 8 và tàn tích của Penjikent chỉ mới được tìm thấy vào thế kỷ 20. Khi tới đây thăm quan, khách du lịch chỉ còn nhìn thấy tàn tích của những ngôi nhà, thành quách cũng như cung điện của thành phố Pejikent mà thôi. Một cảm xúc ngỡ ngàng và xúc động tràn ngập trong tôi. Một nơi từng được biết tới như Pompeii của Trung Á, thành phố cổ từng rất phồn thịnh trong khoảng thế kỷ 5 đến thế kỷ 8, giờ chỉ còn lại là những tàn tích. Bước vào trong khu di tích, tôi cảm nhận được sự yên bình và tĩnh lặng, trái ngược hoàn toàn với hình ảnh náo nhiệt của một đô thị sầm uất đã từng tồn tại mà tôi hình dung qua các tài liệu lịch sử. Mỗi viên gạch, mỗi đoạn tường đều như kể lại câu chuyện của mình, về một thời hoàng kim đã qua. Dạo bước qua từng khu vực, tôi như được hoà mình vào dòng chảy lịch sử nơi đây. Penjikent không chỉ là di tích khảo cổ, mà còn là một nơi chứa đựng những ký ức và câu chuyện về con người, cuộc sống của một nền văn minh đã từng tồn tại. 

Sau đó, tôi tranh thủ tới bảo tàng Rudaki, nơi tôn vinh nhà thơ và anh hùng dân tộc vĩ đại Abu Abdallah Rudaki. Bảo tàng là nơi  kể những câu chuyện về nền văn minh Sogdian đã hình thành nên Tajikistan ngày hôm nay.  Điểm thu hút lớn nhất của bảo tàng là bức bích họa từ thành phố cổ Penjikent mô tả những hình ảnh khác nhau về cuộc sống hàng ngày và những trận chiến hoành tráng mà người Sogdian đã tham gia. Bảo tàng cũng có một số hiện vật tôn giáo mô tả quá khứ Zoroastrian của Tajikistan nói chung, đem tới cái nhìn tổng quát nhất về lịch sử phát triển của cả quốc gia xinh đẹp này. 

Từ Pejikent, tôi tiếp tục hành trình chinh phục khu vực Bảy hồ, với chuỗi các hồ nước tuyệt đẹp được gọi với cái tên đầy kiêu hãnh là 7 viên kim cương của vùng núi Fann. Trong tiếng Tajik, những hồ nước này được gọi là Haftkul, mỗi hồ đều có tên gội và câu chuyện riêng độc đáo. Bắt đầu từ hồ thấp nhất tới cao nhất lần lượt là Nezhigon, Soya, Gushor, Nofin, Khurdak, Marguzor và Hazorchashma. Để tiếp cận khu vực Bảy hồ, tôi đã phải vượt qua các con đường ngoằn nghèo, đi qua nhiều ngôi làng. Lái xe từ hồ đầu tiên đến hồ cuối cùng sẽ tốn ít nhất 1h đồng hồ nếu không ngừng nghỉ. Vì thời gian thoải mái nên tôi đã dành 2 ngày để thong thả đi bộ tham quan các hồ và khám phá vùng nông thôn hoang sơ của dãy núi Fann. Hiện nay, do du lịch ở Tajikistan đang ngày càng phát triển, nên đã có nhiều tổ chức xây dựng nhà nghỉ dành cho khách du lịch, tập trung nhiều nhất ở khu vực hồ Nofin. Những nhà nghỉ tuy đơn giản nhưng đã giúp tôi được hoà mình vào cuộc sống và không khí của địa phương. Việc cắm trại xung quanh hồ cũng không phải là một ý tưởng tồi. Ngoài ra, tôi đã có được cơ hội tham gia một buổi tiệc truyền thống cùng người dân địa phương. Bên ánh lửa trại và cốc sữa nóng, họ đã chia sẻ với tôi những câu chuyện về lịch sử và văn hoá của vùng đất này, cùng điệu múa và tiếng hát của các cô gái Tajikistan xinh đẹp. Trải nghiệm này thực sự đáng nhớ, mang lại cho tôi nhiều cảm xúc.

Ngày cuối cùng, tôi quay lại Dushanbe để bay trở về Việt Nam, kết thúc hành trình rong ruổi khám phá đất nước Tajikistan với một ký ức đẹp về thiên nhiên, con người cùng những trải nghiệm văn hoá độc đáo sẽ mãi mãi in đậm trong trái tim tôi. 

  • T
    Thành
    29 tháng 1, 2024
    Trải nghiệm thật tuyệt vời. Kyrgyzstan và Kazakhstan là 2 quốc gia vẫn còn nhiều phong cảnh nguyên sơ cùng những dấu tích của con đường tơ lụa huyền thoại, những phong tục tập quán cũng được bảo tồn kỹ càng và thú vị.
  • t
    thành
    15 tháng 2, 2024
    chương trình rất hấp dẫn